Một Số Suy Nghĩ về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông

Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Hà và Nguyễn Đăng Thắng

Lời giới thiệu: Ngày 8 tháng 3 năm 2017, bên lề phiên họp của Quốc hội Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị (Wang Yi) bất ngờ tuyên bố rằng Trung Quốc và ASEAN đã đạt được bản dự thảo đầu tiên về khung Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Bài nghiên cứu dưới đây: “Một số suy nghĩ về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” đã được hai tác giả Nguyễn Thị Thanh Hà và Nguyễn Đăng Thắng công bố năm 2013. Nhận thấy trong bài viết chứa đựng nhiều ý tưởng và đề xuất mà tới nay vẫn còn tính thời sự, Dự án Đại Sự Ký Biển Đông xin trân trọng giới thiệu tới độc giả của Dự án.

Tình hình tranh chấp phức tạp tại Biển Đông và nguy cơ bùng phát xung đột do tranh chấp không được kiểm soát, đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á là vấn đề được đặt ra đã lâu, nhất là từ thập kỷ 1990 trở lại đây. Trong khi chưa thấy bóng dáng về giải pháp cho các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông – một vấn đề vốn luôn nhạy cảm, đặc biệt trong bối cảnh Châu Á, các quốc gia trong và ngoài khu vực và ở những cấp độ khác nhau đã nỗ lực tìm kiếm những biện pháp để khống chế nguy cơ xung đột ở Biển Đông. Việc xây dựng một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông là một trong những biện pháp như vậy.

maxresdefault

Quá trình thương lượng Bộ Quy tắc Ứng xử được bắt đầu từ những năm cuối thập kỷ 1990 chưa bao giờ là đơn giản. Kết quả ban đầu của tiến trình này không phải là một Bộ Quy tắc ứng xử mà là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông ký tại Phnom Penh giữa 10 nước ASEAN và Trung Quốc năm 2002 (gọi tắt là DOC 2002).[1]

Sau khi DOC 2002 ra đời, căng thẳng ở Biển Đông có biểu hiện giảm bớt, nhưng điều đó không kéo dài được bao lâu. Trong những năm tiếp theo, thường xuyên xuất hiện việc các nước cáo buộc nhau vi phạm DOC. Đặc biệt từ năm 2009 trở lại đây, tình hình Biển Đông ngày càng trở nên căng thẳng, gây lo ngại không chỉ đối với các nước ven Biển Đông, mà cả đối với các nước ngoài khu vực có tham gia sử dụng Biển Đông.[2] Trong tình hình đó, đã xuất hiện những lời kêu gọi, kể cả ở cấp lãnh đạo quốc gia và chính phủ, về việc xây dựng và thông qua một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (dưới đây gọi tắt là COC).[3]

Thực vậy, DOC chưa bao giờ được coi là thay thế cho mục tiêu cuối cùng là COC và chính ASEAN cùng Trung Quốc đã cam kết trong DOC sẽ tiếp tục đàm phán để đạt được mục tiêu này.[4] Tuy nhiên, khi ASEAN đã tích cực có những bước chuẩn bị cần thiết mà thành quả là đã thông qua được Các thành tố cơ bản của Bộ Quy tắc ứng xử khu vực về Biển Đông,[5] Trung Quốc lại tỏ ra “thiếu sốt sắng” về vấn đề này và cho rằng đàm phán COC cần phải đợi đến thời điểm chín muồi.

Sau “điểm trừ” trong việc đạt đồng thuận của ASEAN về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị cấp Bộ trưởng AMM 45 tại Phnong Penh tháng 4/2012, giờ đây đường như ASEAN đã “quyết tâm hơn” trong việc thuyết phục Trung Quốc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử. Sự quyết tâm này đã đạt được kết quả nhất định, với việc Trung Quốc đã đồng ý cùng ASEAN tiến hành tham vấn chính thức về COC tại Cuộc họp quan chức cấp cao (SOM) tại Tô Châu ngày 14-15/9/2013.

Tuy còn phải thảo luận thêm về cách thức triển khai cụ thể,[6] ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí sẽ tiến hành trao đổi tiếp về COC ở cấp SOM cũng như giao cho Nhóm công tác chung (JWG) về thực hiện DOC trao đổi về vấn đề này. Tiến trình trao đổi, tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc như vậy đã được bắt đầu. Đây cũng là dịp cùng suy nghĩ về những nội dung cần thiết của COC Biển Đông trong tương lai để đáp ứng tình hình Biển Đông hiện nay.

Đọc toàn bộ bài nghiên cứu ở 20130826-Suy nghi ve COC BD-NTTH & NĐT [PDF]

———-

Về nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thanh Hà, Nguyễn Đăng Thắng đến từ Hội Luật gia Việt Nam. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của hai tác giả và phát triển tiếp từ ý tưởng đã trình bày tại bài “Một số suy nghĩ về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” trình bày tại Hội thảo quốc gia lần 2 về Biển Đông: “Tranh chấp ở Biển Đông: Lịch sử, Điạ chính trị và Luật pháp quốc tế”, Hà Nội, 26/4/2011 và bài viết “The Code of Conduct in the South China Sea: The International Law Perspective” (2011) 24 International Studies 97. Bản quyền bài viết thuộc về các tác giả.

Chú thích:

[1] Văn bản có tại http://www.aseansec.org/13163.htm.

[2] Xem các sự kiện điểm ở phần bên dưới.

[3] Chẳng hạn xem Đoạn 17, Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc lần thứ 13, Hà Nội ngày 29/10/2010, văn bản có tại http://www.aseansec.org/25481.htm.

[4] Xem Đoạn 10 của DOC.

[5] ASEAN’s Proposed Elements of a Regional Code of Conduct in the South China Sea (COC) Between ASEAN Member States and the People’s Republic of China. Văn bản này vẫn được lưu giữ ở chế độ tài liệu làm việc của ASEAN, không phổ biến. Tuy nhiên, thông tin tóm tắt về tài liệu này có thể tìm hiểu tại Carlyle A. Thayer, “ASEAN’s Code of Conduct in the South China Sea: A Litmus Test for Community-Building?” The Asia-Pacific Journal: Japan Focus, Vol 10, Issue 34, No. 4, 20/8/2012.

[6] So sánh cách thức Thái Lan (quốc gia điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc) và Trung Quốc đưa tin và nhấn mạnh các điểm đạt được tại Cuộc tham vấn thứ nhất ASEAN-Trung Quốc về COC tại “ASEAN, China to speed up code of conduct” Bangkok Post, 16/9/2013, có tại http://www.bangkokpost.com/news/local/369881/asean-china-set-to-speed-up-code-of-conduct (Thái Lan) và “Trả lời phỏng vấn của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 16/9/2013”, có tại http://www.fmprc.gov.cn/eng/xwfw/s2510/t1077263.shtml (Trung Quốc).

2 thoughts on “Một Số Suy Nghĩ về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông

  1. […] [2] Nguyễn Đăng Thắng & Nguyễn Thị Thanh Hà, “Một số suy nghĩ về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông”, bài trình bày tại hội nghị quốc tế về tranh chấp Biển Đông: Lịch sử , Địa chính trị và Luật quốc tế, Hà Nội 26/4/2011. Có thể đọc phiên bản cuối cùng tại https://daisukybiendong.wordpress.com/2017/04/29/mot-so-suy-nghi-ve-bo-quy-tac-ung-xu-o-bien-dong/. […]

    Like

  2. […] [2] Nguyễn Đăng Thắng & Nguyễn Thị Thanh Hà, “Một số suy nghĩ về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông”, bài trình bày tại hội nghị quốc tế về tranh chấp Biển Đông: Lịch sử , Địa chính trị và Luật quốc tế, Hà Nội 26/4/2011. Có thể đọc phiên bản cuối cùng tại https://daisukybiendong.wordpress.com/2017/04/29/mot-so-suy-nghi-ve-bo-quy-tac-ung-xu-o-bien-dong/. […]

    Like

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.