Các Quy Chế Pháp Lý về Vùng Đặc Quyền Kinh Tế và Áp Dụng vào Diễn Biến Mới Nhất tại Biển Đông

Tác giả: Phạm Ngọc Minh Trang

Ngày 16 tháng 9 năm 2019

Một bản rút gọn với thông tin thực địa cập nhật hơn được đăng trên BBC tại https://www.bbc.com/vietnamese/forum-49044953.

01
Vị trí tàu thăm dò địa chất Haiyang Dizhi 8 và tàu cảnh sát biển Haijing 35111 của Trung Quốc được ghi nhận vào sáng sớm ngày 16/7/2019 qua hệ thống vệ tinh. Nguồn: Dự án Đai Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic

Theo những thông tin được đăng tải trên Twitter của Ryan Martison (Đại học quân sự hải quân Hoa Kỳ – US Naval War College), hiện giờ tại Biển Đông đang có hai diễn biến mới nhất và đáng chú ý nhất liên quan đến các hoạt động của các tàu Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam.

Thứ nhất, từ ngày 3/7/2019 cho đến ngày 15/7/2019 tàu Haiyang Dizhi 8 (tàu thăm dò địa chất) thuộc quyền quản lý và sử dụng của chính phủ Trung Quốc đã đi vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần khu vực Bể Tư Chính – Vũng Mây, do Việt Nam đang quản lý. Đường đi của tàu được thu nhận qua hệ thống vệ tinh cho thấy tàu này tiến hành thăm dò địa chất chứ không đơn thuần chỉ là đi lại trong khu vực này.

09
Hoạt động của tàu Haiyang Dizhi 8 từ ngày 3-13/7/2019 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nguồn: Ryan Martinson.

Đi theo bảo vệ tàu còn có ít nhất 3 tàu Hải giám của Trung Quốc được vệ tinh phát hiện, đặc biệt là tàu hải giám trên 10,000 tấn ký hiệu 3901tàu dân quân biển Qiong Sansah Yu0014. Cùng thời gian đó, các tàu cảnh sát biển mang cờ Việt Nam cũng xuất hiện ở khu vực này, thực hiện các hoạt động cần thiết bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế. Theo Báo South China Morning Post, đây là một cuộc đối đầu (stand-off) căng thẳng trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, nổi bật nhất sau năm 2014 là năm xảy ra sự kiện Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan di động HD-981 trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

04
Toạ độ chính xác của tàu thăm dò địa chất Haiyang Dhizhi 8 được ghi nhận vào tầm trưa ngày 15/7/2019, cách bờ biển Phan Thiết tầm 122 hải lý. Nguồn: Dự án Đai Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic.
05
Tín hiệu vệ tinh cũng ghi nhận sự hiện diện của 3 tàu hải giám Trung Quốc là Haijing 37111, Haijing và Zhonguo Haijing 46303 (màu xanh da trời) và hai tàu Kiểm ngư Việt Nam KN 468 và KN 472 (màu cam). Rất có thể vẫn còn một số tàu khác. Nguồn: Dự án Đai Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic.

Thứ hai, Ryan Martinson cũng đã phát hiện ra từ 18/6/2019 đến nay, tàu cảnh sát biển được trang bị vũ khí hạng nặng ký hiệu 35111 của Trung Quốc xuất hiện cách bãi Tư Chính 40 dặm về phía Tây. Ngày 12/7, tàu này đã tới Bãi Chữ Thập, có lẽ để tiếp nhiên liệu, rồi lại quay trở lại vị trí ban đầu ở khu vực Bãi Tư Chính ngày 14/7. Tàu này tuy không trực tiếp tham gia vào việc hộ tống Tàu Haiyang Dizhi 8 nhưng cũng đã hiện diện gần một tháng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

06
Vị trí tàu Haijing 35111 được ghi nhận chiều ngày 16/7. Tàu đang di chuyển với vận tốc 3 kn. Nguồn: Nguồn: Dự án Đai Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic.
08
Tín hiệu vệ tinh ghi nhận sự hiện diện của tàu Kiểm ngư Việt Nam KN267 gần đó, dường như đang đeo bám sát tàu Cảnh sát biển Trung Quốc Haijing 31555 chiều ngày 16/7/2019. Nguồn: Dự án Đai Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic.

Bởi vì hai sự việc đều xảy ra tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cho nên cần phải soi chiếu tính chất pháp lý của các hành động trên của cả 2 nước, Trung Quốc và Việt Nam, qua chế định về vùng đặc quyền kinh tế của luật pháp quốc tế, trong đó, cơ sở pháp lý quan trọng nhất là Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS) mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên

Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng biển chỉ xuất hiện từ khi UNCLOS ra đời, và các quốc gia ven biển phải chính thức tuyên bố mới được hưởng các quy chế pháp lý của vùng biển dài 200 hải lý tính từ đường cơ sở này [1]. Việt Nam đã tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế của mình vào ngày 12 tháng 5 năm 1977, và cũng đã cụ thể hoá trong Luật biển Việt Nam năm 2012. Như vậy, có thể thấy Việt Nam đã hoàn thành các nghĩa vụ pháp lý để có thể xác lập quyền chủ quyền và quyền tài phán tại vùng đặc quyền kinh tế của mình. 

Theo Công ước luật biển 1982, Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với vùng đặc quyền kinh tế đã được xác lập như sau:

Đầu tiên, theo điều 56 của Công ước, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền (sovereign rights) đối với các hoạt động thuộc về khai thác kinh tế tài nguyên thiên nhiên (từ động vật sống đến khoáng sản) tại khu vực biển đặc quyền kinh tế. Các hoạt động này bao gồm, inter alia, thăm dò, khai thác, bảo tồn, quản lý, và thậm chí các hoạt động khai thác năng lượng từ nước, thuỷ triều và gió. Quyền chủ quyền ở đây có thể hiểu có các tính chất sau: 

(1) Độc quyền. Không một quốc gia nào khác có thể thực hiện các hoạt động kể trên trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia, ngoài chính quốc gia đó, hoặc được quốc gia này cho phép; 

(2) Quyền chủ quyền này chỉ gói gọn trong các hoạt động khai thác kinh tế đối với các tài nguyên thiên nhiên tại đây, không bao gồm sự độc quyền quản lý trong các vấn đề khác, nổi bật là vấn đề đi lại hoặc bay ngang qua của các tàu, thuyền của các quốc gia khác. 

Ngoài ra, theo điều 56 này, các quốc gia ven biển còn có quyền tài phán (jurisdiction) đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Từ đây, dẫn đến Phần XIII của Công ước sẽ có các quy định cụ thể về quyền này của các quốc gia ven biển. Theo đó, việc tiến hành nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế phải được sự cho phép của các quốc gia ven biển (điều 246), và sự cho phép này thông thường được thể hiện dưới hình thức hiệp ước giữa các bên, hoặc quốc gia ven biển không thể hiện bất cứ hành vi phản đối nào trong 4 tháng khi được thông báo (điều 247). 

Có các điểm cần lưu ý về vấn đề này như sau: 

(1) Các hoạt động nghiên cứu khoa học biển này phải thuần chất là nghiên cứu khoa học với mục đích phục vụ cho việc phát triển hiểu biết của nhân loại về một vấn đề khoa học biển nào đó.

(2) Đây phải là các hoạt động hoà bình, không mang tính chất gây hấn, có thể làm phát sinh các hoạt động vũ lực hoặc căng thẳng giữa các bên liên quan. 

(3) Các quốc gia ven biển có quyền đưa ra các quy định và quy trình cần thiết để quản lý việc nghiên cứu khoa học này, trong đó có cả việc yêu cầu cung cấp các số liệu nghiên cứu và quyền truy cập vào các tài liệu nghiên cứu của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế của mình (điều 248). 

(4) Việc một quốc gia tiến hành nghiên cứu khoa học trong một khu vực biển nào đó không thể là cơ sở pháp lý để quốc gia này yêu sách vùng biển hoặc tài nguyên thiên nhiên của khu vực này (điều 241). 

Bên cạnh đó, theo điều 73 của UNCLOS, các quốc gia ven biển còn có quyền thực thi các hoạt động hành pháp và tư pháp như, inter alia, khám xét, điều tra, bắt giữ và tiến hành các hoạt động tố tụng mà quốc gia này cảm thấy là cần thiết để đảm bảo các quy định và pháp luật của mình phải được tuân thủ. Đây là các quyền tài phán mà Công ước cho phép các quốc gia ven biển thực hiện để bảo vệ quyền chủ quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế. 

Đối với các quốc gia nước ngoài, trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển, các tàu thuyền của họ được hưởng quyền tự do đi lại, nhưng cũng phải tuân thủ theo các luật định của quốc gia ven biển và các quy định khác của Luật quốc tế (điều 58). 

Như vậy, có thể thấy Công ước có các điều khoản và quy định khá chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Điều này cũng phù hợp với tinh thần Hội nghị Luật biển lần 3 của Liên hiệp quốc soạn thảo ra Công ước Luật biển 1982, mà trong đó các quốc gia đang phát triển đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình trước các cường quốc biển. Khi đó, chính Trung Quốc cũng là quốc gia tích cực trong việc đấu tranh này. Và cũng chính Trung Quốc đã dựa trên các cơ sở pháp lý trên mà xua đuổi tàu Impeccable của Mỹ ra khỏi vùng nước của Đảo Hải Nam khi tàu này thực hiện khảo sát tại đây vào năm 2009. 

Áp dụng tất cả các quy định trên của luật biển quốc tế về vùng đặc quyền kinh tế, có thể nói rằng hoạt động thăm dò địa chất của tàu Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm gần như tất cả các điều khoản trong Công ước Luật biển quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Hoạt động này nếu nhằm mục đích thăm dò trữ lượng dầu khí ở đáy vùng đặc quyền kinh tế, cũng là vùng thềm lục địa của Việt Nam, đã xâm phạm vào quyền chủ quyền của Việt Nam tại đây. Bên cạnh đó, nếu hoạt động thăm dò địa chất nhằm phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, thì dù dưới mục đích hoà bình hay không, cũng đã xâm hại đến quyền tài phán của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế của mình. Ngoài ra, nó còn làm ảnh hưởng đến hoà bình trong khu vực biển này, với bằng chứng là sự bám rượt của các tàu chấp pháp mỗi bên; ảnh hưởng đến các hoạt động khác như tự do đi lại và khai thác thác kinh tế của Việt Nam cùng các quốc gia khác (dưới sự cho phép của Việt Nam) tại đây. 

10
Các tàu cảnh sát biển của Trung Quốc bận rộn với việc hộ tống tàu Haijing Dizhi 8. Chỉ có 3 tàu được phát hiện qua hệ thống vệ tinh, nhưng rất có thể còn có những tàu khác nữa. Nguồn: Ryan Martinson.

Đối với sự việc liên quan đến tàu cảnh sát biển được trang bị vũ khí hạng nặng ký hiệu 35111 của Trung Quốc ở phía tây Bãi Tư Chính: hiện giờ các hoạt động của tàu này vẫn có thể hiểu là gói gọn trong việc thực hiện tự do hàng hải. Nhưng với sự xuất hiện của 1 loại tàu có khả năng tấn công như vậy, cùng với các hệ thống quân sự của Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo tại Quần Đảo Trường Sa (gần nhất là ở Bãi Chữ Thập), các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam, trong một bối cảnh bình thường, vẫn có quyền nghi ngờ về những ảnh hưởng xấu của nó đến hoà bình của khu vực biển này. Nhất là khi tàu này đã có mặt ở đây rất lâu, gần 1 tháng, mà gần như không có sự di chuyển đáng kể, trừ khi cần phải tiếp tế nhiên liệu. 

Các sự kiện nêu trên đều phải được Trung Quốc và Việt Nam giải quyết bằng con đường hoà bình. Đây là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc được nêu không những trong Công ước Luật biển mà còn trong Hiến chương Liên hiệp quốc. Tuy nhiên, trước tình hình Trung Quốc đã vô trách nhiệm đối với nghĩa vụ quốc tế như vậy, Việt Nam cần phải chủ động trong việc giải quyết các tranh chấp tại đây. Việt Nam có một loạt các lựa chọn các biện pháp hoà bình để giải quyết. Từ việc đàm phán trực tiếp, trao đổi công hàm, nêu vấn đề trong các hội nghị quốc tế, vận dụng các cơ chế làm việc của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó đặc biệt quan trọng là ASEAN, để kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam có thể cân nhắc sử dụng cơ chế hoà giải bắt buộc đối với các vấn đề liên quan đến nghiên cứu khoa học theo phụ lục V Công ước Luật biển 1982. Hay, việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc ở phụ lục VII của Công ước về các vấn đề pháp lý liên quan khác trong hai sự kiện trên. Điều quan trọng hơn hết, Việt Nam cần thật khôn ngoan và chủ động trong các tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông, bởi vì các bài học trong lịch sử đã dạy rằng “khi chúng ta càng nhân nhượng, [bọn chúng] càng lấn tới”. 

Phạm Ngọc Minh Trang, giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tp. Hồ Chí Minh. Visiting scholar, Trường Luật, Đại học New York (Mỹ). Cộng sự của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Bài viết thể hiện ý kiến riêng của tác giả.

Chú thích:

[1] Tanaka, Yushifumi, Luật biển quốc tế, NXB Đại học Cambridge, 2015, trang 125.

———-

Các ấn phẩm đăng trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông không nhất thiết thể hiện quan điểm của tất cả thành viên và cộng tác viên, hay các nhà tài trợ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Bản quyền các ấn phẩm thuộc về các tác giả, dịch giả và Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Mọi sự sử dụng lại hay trích dẫn phải ghi rõ nguồn và dẫn link tới bài gốc trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Sử dụng cho mục đích thương mại phải được sự đồng ý bằng văn bản của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Email: sukybiendong@gmail.com.

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích và muốn giúp Dự án duy trì hoạt động phi chính trị và phi lợi nhuận, hãy tài trợ cho chúng tôi thông qua địa chỉ Paypal sukybiendong@gmail.com. Báo cáo tài chính sẽ được thông báo vào cuối mỗi năm. Xin trân trọng cảm ơn.

 

 

 

6 thoughts on “Các Quy Chế Pháp Lý về Vùng Đặc Quyền Kinh Tế và Áp Dụng vào Diễn Biến Mới Nhất tại Biển Đông

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.